Wednesday, December 28, 2016

Khôi phục điện thoại Lenovo A7000/A7000 plus (A7000-a) đã thành cục gạch

A solution to save unbricked Android phone Lenovo A7000/A7000 Plus (A7000-a)

1. Yêu cầu

- Đảm bảo điện thoại của bạn không bị hư hại bất kỳ phần cứng nào.
- Khi cắm dây kết nối với máy tính vẫn thấy có tín hiệu kết nối. Tín hiệu này có thể nhận biết bằng cách, mở device manager lên để ý xem khi cắm thiết bị vào có nhận thiết bị mới không.

2. Hiện trạng của điện thoại

Giải pháp trình bày trong bài viết này sẽ giúp bạn phục hồi lại nguyên trạng điện thoại đối với các trường hợp:
- Không mở được nguồn máy hoặc mở được nhưng chỉ có màn hình trắng. Thậm chí, máy cắm sạc không lên % pin nữa (đã hỏng Recovery Bootloader lẫn Anroid OS).
- Không thể vào Recovery mode được (bao gồm cả các custom recovery như CWM hay TWRP)
- Cần khôi phục lại Rom gốc ban đầu
Màn hình trắng


3. Công cụ sử dụng trong bài viết

 SP Flash Tool v5.1516

Internet ngoài kia giới thiệu nhiều về công cụ này, nhưng chỉ nói chung chung là để flash lại memory cho điện thoại. Riêng Huy sẽ mô tả thêm tập trung vào kỹ thuật một tí. Tóm gọn lại, công cụ này cho phép chép và nạp đè lại toàn bộ các phân vùng (partition) trong điện thoại. Các phân vùng này được quy định bởi nhà sản xuất, nhằm chỉ định các phân khu lưu trữ cần thiết cho việc nạp và khởi động hệ điều hành của thiết bị.
Link tải: đây

MTK VCOM USB Preloader Drivers

Đây là một bộ driver quản lý việc kết nối giữa máy tính và điện thoại. Bắt buộc phải tải và cài được driver này, thì công cụ SP Flash Tool phía trên mới có thể hoạt động trơn tru
Link tải:
- Bản tự động cài: đây
- Bản cài thủ công: đây

Firmware (Stock Rom)

Một tập tin hình ảnh có chứa bộ cài đặt hệ điều hành điện thoại. Trong bài viết này Hu y sẽ lấy firmware A7000-A_PLUS_S141_1509022_ROW (phiên bản 141)
Link tải: đây

Giải nén hết các công cụ trên và tiến hành thôi.

4. Các bước thực hiện

B0: Rút (unplug) dây kết nối thiết bị với máy tính, và tháo pin rời ra.

B1: Theo hầu hết các bài viết trên internet thì luôn yêu cầu đảm bảo pin còn 60% trở lên. Tuy nhiên cá nhân Huy đã thực hiện khi pin chỉ còn 31% và khi vừa thực hiện thành công đến bước khởi động thấy được logo Lenovo là lúc pin còn đúng 1%.
Một kinh nghiệm ở bước này là hãy tháo pin ra khỏi máy ngay khi bạn không sử dụng đến thiết bị nữa.

B2. Cài đặt thủ công MTK VCOM USB Preloader Drivers theo hướng dẫn trên xda-dev.
Đối với cài đặt tự động thì chỉ bấm Next suốt quá trình cài đặt thôi, riêng ở bước cuối nhớ chọn Install this driver software anyway.


B3. Mở công cụ SP Flash Tool bằng cách chạy tập tin flash_tool.exe trong thư mục của ứng dụng. Màn hình chính của ứng dụng như hình dưới
màn hình chính chương trình SP Flash Tool

Mục Download-Agent mặc định khi mở ứng dụng lên sẽ được trỏ đến tập tin MTK_AllInOne_DA.bin trong cùng thư mục ứng dụng SP Flash Tool. Nếu mục này trống bạn chịu khó bấm Download Agent để trỏ đến.
Để thiết lập cho mục Scatter-loading file, bạn bấm nút Scatter-loading và tìm trong thư mục firmware đã giải nén tập tin *.txt có phần tên bao gồm chữ scatter. Nếu firmware tải từ liên kết Huy cung cấp ở trên bạn sẽ tìm thấy tập tin này ở target_bin\MT6752_Android_scatter.txt.
Xong xuôi hết, bạn sẽ thấy ứng dụng tự động nạp các thông tin cần thiết như preloader, lk, boot, recovery, secro, logo, v.v... Các thông tin này chính là địa chỉ các phân vùng hệ thống được đọc lên từ tập tin scatter.

B4: Trên màn hình ứng dụng click chọn Options>Options..., chuyển sang tab Download và check hết các mục trong DA DL All With Check Sum.


B5: Bấm vào nút Download trên màn hình chính

B6: Cắm dây kết nối phone với máy tính và lắp pin vào máy. Chờ khoảng 20 giây, nếu thấy hiển thị thông tin thiết bị ở góc trái dưới màn hình chính là đã thành công 50%. Khi mới mở ứng dụng, khu vực này trống, không có thông tin.
Nếu vẫn không thấy màn hình thông tin, hãy rút dây kết nối với máy tính và tháo pin ra, chờ 5 giây và thực hiện lại Bước 5.

B7: Sau bước trên thanh tiến trình (progress bar) phía dưới cuối màn hình ứng dụng sẽ chạy đến khi hoàn tất.

Thông thường mất khoảng 4-6 phút bạn sẽ thấy được mà hình thông báo thành công như bên dưới.
B8: Rút dây kết nối với máy tính. Sau đó bấm giữ nút nguồn khoảng 3-5 giây và nếu logo của hãng xuất hiện. Chúc mừng bạn đã khôi phục thành công!
Lưu ý thêm là sau khi màn hình logo xuất hiện, bạn sẽ phải chờ từ 5-10 phút cho lần đầu tiên khởi động này, mới vào được đến "desktop" của điện thoại.

5. Một số lỗi thường gặp khi sử dụng SP Flash Tool

a/ Lỗi "PMT changed for the ROM, it must be downloaded"
Giái pháp: Từ màn hình chính chuyển qua tab Format, bấm chọn Auto Format Flash và Format whole flash except Bootloader. Sau cùng bấm Start và chờ cho đến khi nút Stop bị mờ đi hoặc nhìn thanh trạng thái ở dưới.
Nếu sau 10 phút mà nút Stop không mờ đi, có nghĩa là đã có lỗi xảy ra với kết nối giữa máy tính và điện thoại. Bạn làm lại bước 5 ở trên và thực hiện Format lại.

b/ Sau khi thực hiện xong hết tất cả các bước, Firmware được flash thành công vào điện thoại nhưng điện thoại vẫn tiếp tục duy trì hiện trạng như mô tả ở phần 1. Tôi nên làm gì?Giải pháp:
Nguyên nhân rất đơn giản là do firmware bạn tải về không phù hợp với thiết bị. Nếu bạn để ý kỹ sau bước nạp thông tin từ tập tin scatter lên, bạn sẽ thấy trong bảng thông tin ngay bên dưới có 2 cột là Begin Address và End Address. Như đã nói 2 cột này mô tả địa chỉ các phân vùng hệ thống của thiết bị, và mỗi firmware sẽ có một bảng địa chỉ khác nhau.

Ví dụ xem hình bên dưới:

Hu y đã ghép ảnh 2 cột Begin và End Address của các firmware 141, 144 và 153 vào cùng một bảng cho các bạn dễ so sánh. Dễ thấy End Address của các phiên bản này khác nhau nhiều điểm.
Lần đầu tiên mình đã thử và thất bại với firmware 153, tiếp đó và 144. Cuối cùng Huy đã khôi phục thành công với phiên bản 141.

Do đó, nếu bạn không thành công với thiết bị của mình. Đừng vội nản, hãy tiếp tục tìm các firmware khác để thử bạn nhé!

"Hãy kiên trì theo đuổi mục tiêu, nhất định ta sẽ đến đích thôi"

Huy Nguyễn.

PS. Bạn cần ghi rõ nguồn, nếu sao chép lại bài viết của tôi.